Từ trước đến nay Liên vẫn bị coi là kẻ hà tiện ở lớp tôi. Cả lớp chưa thấy một người nào như Liên, cái gì thừa thãi chút cậu ấy cũng nhặt nhạnh được...
Lớp liên hoan, kẹo bánh còn thừa chẳng ai buồn ăn. Chúng tôi bày trò lấy kẹo ấy ném nhau. Những lúc ấy, Liên thường lên tiếng: ”Các cậu lãng phí quá! Nếu không ăn nữa thì cầm về cho em chứ!”. Đáp lại lời Liên chỉ là những câu “Ối giời! Toàn những người đứng đắn cả, ai lại làm thế!”,”Nhà tớ không có em!”,…hoặc những lời nói mỉa: ”Cậu chịu khó nhặt về vậy, còn ăn được đấy!”...Nhưng dường như Liên chẳng quan tâm đến thái độ của các bạn, cô im lặng nhặt tất cả kẹo bánh vương vãi trên bàn, trên nền lớp, mang về chia cho bọn trẻ hàng xóm.
Chúng tôi thường giễu Liên là lao công của lớp bởi mỗi giờ ra chơi hay cuối những buổi học Liên không ngại nhặt những chiếc tàu bay giấy bọn con trai phóng lung tung khắp lớp hay những tờ giấy nháp rơi lả tả dưới chân ghế. Thỉnh thoảng có đứa hỏi: ”Cậu thu giấy về bán à?”. Ai ngờ Liên thành thật: ”Như thế cũng là lợi ích đấy chứ!”.
Liên không ngại, hay Liên mất hết cả sự xấu hổ rồi? Tôi biết nhiều bạn lớp tôi vẫn xì xào sau lưng Liên và nhìn cô bằng con mắt thiếu thiện cảm. ”Người đâu mà “ăn kẹo”, “ăn”giấy, lại còn “ăn” luôn cả túi ni-lông nữa chứ!”. Quả có thế thật, cứ thấy đứa nào mang đồ ăn sáng đến lớp, Liên lại xin lại cái túi ni-lông.” Đừng vứt đi, để tớ rửa sạch phơi khô cho cậu dùng lần sau. Chứ cứ dùng bao nhiêu túi ni-lông thế này ảnh hưởng đến môi trường lắm.”. Nhưng chẳng ai chịu hiểu lời Liên nói, ai nghe thế cũng gắt lên: ”Cậu thích thì giữ mà dùng. Việc gì phải biện hộ dài dòng!”...
Chuyện sáng nay cũng thế. Liên, tôi và mấy đứa bạn đang trên đường đi học thì chợt chúng tôi nhìn thấy một tờ 5000 đồng rơi giữa đường. 5000 cũng không phải là nhỏ với chúng tôi, nhưng đang lúc đường tấp nập, chẳng đứa nào có gan nhặt đồng tiền. Chẳng lẽ lại vứt cả tự trọng, chạy ra giữa đường để nhặt cái không phải là của mình! Ấy vậy mà Liên đã làm thế. Chúng tôi bất ngờ nhìn Liên chạy vụt ra mà chẳng kịp can. Chúng tôi thầm trách Liên. Thật chẳng ra sao cả! Và thấy xấu hổ thay. Mong sao những người qua đường không nghĩ chúng tôi cũng giống như Liên, bạn mình. Nhưng rồi tất cả càng sững sờ hơn khi thấy Liên cầm đồng tiền chạy sang vỉa hè bên kia. Ở đấy có một ông lão ăn xin đang ngồi ủ rũ bên chiếc nón rách tả tơi. Liên đặt đồng tiền vào nón của ông cụ. Cô bạn mỉm cười. Ông lão ngước đôi mắt lên nhìn Liên cảm ơn...Còn chúng tôi ở bên này đường thì cúi đầu ân hận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét